Đồng Văn nằm trong vùng khí hậu gió mùa mang tính chất lục địa khá rõ nét. Lượng mưa trung bình lớn, khoảng 1.750 mm-2.000 mm, tập trung từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 20 độ C, khi lạnh nhất có thể xuống đến 1-2 độ, lúc nóng nhất gần 40 độ C. Độ ẩm không khí khoảng 84%. Ở Đồng Văn còn xuất hiện sương muối, thỉnh thoảng có mưa tuyết vào mùa đông.
Đồng Văn cách thành phố Hà Giang 150 km về phía Bắc. Từ thành phố, du khách di chuyển theo quốc lộ 4C, có thể sử dụng nhiều phương tiện, trong đó phổ biến nhất là xe máy, ôtô tự lái, ôtô thuê hoặc xe khách... Thời gian di chuyển khoảng 3-5 tiếng, tùy phương tiện.
Tại thị trấn Đồng Văn, du khách có thể thuê xe máy với giá khoảng 100.000 đồng một ngày.
Đồng Văn có nhiều nơi lưu trú, từ nhà nghỉ, homestay đến các khách sạn lớn. Trong số này, homestay có số lượng nhiều nhất, nằm rải rác từ trung tâm thị trấn tới các xã, như Hagiang Holic, Plum Homestay, Đồng Văn Cliffside House, Đồng Văn H’Mông Homestay, Đồng Văn B&B, Khói Home... Giá mỗi đêm dao động từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng một phòng hoặc 100.000 đồng đến 250.000 đồng một đệm của dorm hay nhà sàn trong homestay.
Khách sạn có Hoa Cương Hotel, Hoàng Văn, Hoàng Ngọc, Mã Pì Lèng Hotel... với giá trung bình 400.000 đến 1 triệu đồng một đêm.
Phố cổ Đồng Văn
Nằm trong vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn là điểm đến du khách không thể bỏ qua. Phố cổ nằm ở trung tâm thị trấn, được hình thành từ hơn 100 năm trước. Trước đây khu này chỉ là một thung lũng hoang sơ, dân cư thưa thớt. Cuối thế kỷ 19, khu phố dần được hình thành. Từ trên cao nhìn xuống, phố cổ Đồng Văn là ba dãy nhà xếp thành hình chữ U, lợp ngói âm dương, gồm nhà ở, khu thương mại có quy mô không lớn song có những nét riêng mang bản sắc của vùng cao nguyên đá.
Đến đây, du khách không nên bỏ qua quán cà phê Phố Cổ nằm ở góc chợ trung tâm Đồng Văn, trong căn nhà có tuổi đời hơn 100 năm, dựa vào núi.
Dốc Thẩm Mã
Nhà Vương nằm cạnh quốc lộ 4C trên đường từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn, cách trung tâm thị trấn Đồng Văn 13 km. Năm 1993, dinh thự nhà Vương được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Sông Nho Quế
Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam, qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc địa phận tỉnh Hà Giang để nhập vào sông Gâm ở Cao Bằng. Sông Nho Quế phần chảy vào Việt Nam dài 46 km, từ Lũng Cú qua hẻm núi Tu Sản và sau đó chạy dọc theo đèo Mã Pí Lèng. Một điểm đặc sắc của sông là phần lớn thời gian trong năm, nước có màu xanh ngọc. Những năm gần đây, các công ty du lịch tại địa phương cung cấp dịch vụ đi thuyền ngắm cảnh hoặc chèo kayak cho du khách. Giá thuê từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng một thuyền, tùy loại.
Lưu ý: Để tới được bến thuyền, du khách sẽ phải vượt quãng đường ngoằn ngoèo. Nên thuê người địa phương có tay lái vững và quen đường chở đi.
Cột cờ quốc gia Lũng Cú
Cột cờ nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng có độ cao 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú. Cột cờ cách điểm cực Bắc của Việt Nam khoảng 3,3 km theo đường chim bay. Cột cờ có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo, hiện có hình bát giác, cao hơn 30 m, khánh thành ngày 25/9/2010. Trên đỉnh là cán cờ cao 9 m cắm quốc kỳ Việt Nam rộng 54 m2. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống có hai ao nước hai bên núi, quanh năm không cạn, được gọi là ao mắt rồng. Cột cờ cách thị trấn Đồng Văn 24 km.
Cánh đồng hoa tam giác mạch Sủng Là
Cách thị trấn Đồng Văn gần 20 km, xã Sủng Là có khung cảnh như cổ tích, nằm dưới những vách núi đá tai mèo. Đồng bào dân tộc Mông ở Sủng Là thường trồng tam giác mạch ở các triền đồi cao, nên nơi này được xem là một trong những điểm ngắm hoa đẹp nhất tại Hà Giang. Thời điểm lý tưởng nhất là từ tháng 10 đến tháng 11.
Nhà của Pao
Cũng nằm tại xã Sủng Là, "Nhà của Pao" thực chất là căn nhà của người dân, xây dựng năm 1947, được sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim "Chuyện của Pao". Ngôi nhà mang những nét kiến trúc của người Mông vùng cao nguyên đá, khép kín bốn hướng, chính giữa là sân trời. Khoảng sân trước nhà lát đá, xung quanh trồng mận, mơ, đào... những loài cây đặc trưng của vùng. Căn nhà có kiến trúc đẹp, cảnh quan xung quanh còn đẹp hơn vào mùa hoa nở nên nơi đây luôn thu hút đông khách du lịch.
Điểm đến này thu phí 10.000 đồng với mỗi khách du lịch.
Món ăn ở Đồng Văn cũng chính là những món ăn tiêu biểu ở Hà Giang, có thể tìm thấy ở mọi nơi trong tỉnh. Tuy nhiên, tại Đồng Văn du khách sẽ có nhiều địa chỉ có tiếng để lựa chọn.
Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu là món ăn đặc trưng ở Hà Giang. Nguyên liệu nấu cháo gồm củ ấu tẩu, gạo, thịt lợn, giò, trứng, rau và một số thứ khác. Ấu tẩu là một loại cây quen thuộc của người địa phương, còn có tên gọi khác là ấu tàu, thủ ô... được trồng nhiều ở vùng cao Hà Giang. Củ ấu tẩu tươi có độc, qua bàn tay chế biến của người dân đã trở thành món ăn ngon miệng. Ấu tẩu còn là một loại dược liệu quý, có tác dụng giải cảm, giãn gân cốt, giảm mệt mỏi, giúp ngủ ngon. Để làm cháo, củ ấu tẩu phải được ngâm trong nước vo gạo đậm đặc khoảng 10 tiếng, sau đó ninh nhiều giờ nữa cho đến khi củ mềm bở, chất độc biến mất.
Địa chỉ tham khảo: cháo Mộc Miên, quán cháo trong chợ Đồng Văn.
Bánh cuốn
Nguyên liệu làm món này gồm bột gạo, thịt, mộc nhĩ, xương, giò chả và gia vị. Bột được ngâm qua đêm cho mềm rồi pha với gia vị. Khách đến ăn, người làm mới đổ bột lên khuôn tráng tại chỗ cho nóng. Sau khoảng 3 phút, bánh chín thì cuốn lại cùng thịt, mộc nhĩ đã sơ chế, cắt ngắn đặt vào đĩa, rắc thêm hành phi và rau mùi. Khác với bánh cuốn chấm nước mắm ở nhiều vùng, bánh cuốn Hà Giang ăn cùng nước dùng. Nước dùng được ninh bằng xương lợn nên có vị ngọt thanh. Theo người dân địa phương, vì khí hậu miền núi buổi sáng rất lạnh, bà con ăn bánh cuốn với nước canh cho ấm người.
Địa chỉ tham khảo: Bánh cuốn bà Hà, Bánh cuốn cô Liễu.
Bánh tam giác mạch
Bánh được làm từ hạt hoa tam giác mạch với giá trị dinh dưỡng cao. Để làm bánh, sau mỗi mùa thu hoạch, người dân sẽ phơi hạt khô, một phần dùng để ủ tạo thành men, phần còn lại để làm bánh tam giác mạch. Hạt được xay nhuyễn, sau đó nhào thành bột và nặn thành những chiếc bánh dẹt, tròn, đường kính hơn một gang tay. Bánh sau khi nặn sẽ mang đi hấp và nướng bằng bếp than, ăn ngon nhất khi nóng, có vị ngọt nhẹ.
Bánh được bán ở các chợ, những hàng quán ven đường, gần các khu du lịch.
Thắng dền
Trong số những món ăn vặt của Hà Giang, không thể không nhắc đến thắng dền. Được bán nhiều ở phố cổ Đồng Văn hay các phiên chợ, thắng dền tuy chỉ là "món ăn chơi" nhưng lại có sức hút khá đặc biệt. Một bát thắng dền gồm các viên bột nếp tròn luộc chín và nước đường nấu gừng, khi ăn thêm mè đen hay lạc rang giã nhỏ.
Mèn mén
Mèn mén là món ăn dân dã gắn liền với đời sống người bản địa. Vùng cao nguyên đá không canh tác được lúa nên cơm ngô (hay mèn mén) là thực phẩm chính của người Mông. Ban đầu, mèn mén chỉ là một món ăn thường ngày của người dân, dần dần được bán nhiều ở các phiên chợ để giới thiệu nét văn hóa ẩm thực. Để có mèn mén, ngô được phơi thật khô và chế biến qua nhiều công đoạn như giã, loại bỏ cặn, hấp. Mèn mén có vị thơm của ngô, có thể chan nước canh vào ăn cùng.
Cà phê Cực Bắc